Sẽ dùng LED thắp sáng kênh Nhiêu Lộc

Posted by at 12 Tháng Mười Một, at 16 : 05 Chiều

Sẽ dùng LED thắp sáng kênh Nhiêu Lộc

Sở Du lịch TP.HCM vừa kiến nghị các sở, đơn vị liên quan góp ý các giải pháp nhằm phát triển du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc TP, trong đó có việc lắp toàn bộ hệ thống đèn LED chiếu sáng trên các tuyến đường dọc kênh nhiêu lộc.

lap-den-led-kenh-nhieu-loc

Trước đó, tháng 9-2015, Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn đưa vào hoạt động tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc. Hiện công ty đã xây dựng hai bến thủy ở cầu Thị Nghè (Q.1) và gần chùa Cadaransi, đường Hoàng Sa (Q.3).

Ngoài ra, trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, sở cũng đề nghị sử dụng nguồn điện thắp sáng dọc tuyến kênh bằng đèn led làm đẹp cảnh quan hai bờ kênh vào buổi tối…

Theo đó, Sở Du lịch TP kiến nghị các quận, huyện tăng cường việc kiểm tra dọc tuyến kênh và nghiêm cấm câu cá trên kênh đảm bảo an ninh trật tự tại bến 24/24 giờ trong thời gian tới.

Thời gian tới, sẽ đầu tư các hạng mục bổ sung để cung cấp thêm dịch vụ cho khách du lịch.

Nhìn trên bản đồ cổ xưa của Sài Gòn – Bến Nghé, ta thấy Nhiêu Lộc –  Thị Nghè từng là con rạch/sông đóng vai trò quan trọng trong tưới tiêu, và là tuyến giao thông xuyên suốt qua những khu vực trung tâm của thành phố.

Gia Định Thành Thông Chí (Trịnh Hoài Đức, 1820) đã miêu tả về con sông này như sau: “Sông Bình Trị, tục gọi sông Bà Nghè, ở địa phận tổng Bình Trị về phía bắc trấn, từ sông Tân Bình quanh sau trấn lỵ đến cầu Ngang, ngược dòng lên tây độ bốn dặm rưỡi đến cầu Cao Miên (nay là cầu Bông), chảy về tây bắc độ hai dặm đến chợ Chiểu(chợ Bà Chiểu nay), chảy về phía nam độ bốn dặm đến Phú Nhuận, sáu dặm rưỡi đến cầu Huệ là cùng nguyên, nơi đây có những ao vũng tản mạn”.

Từ khoảng giữa thế kỷ 20, rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè mất dần chức năng lưu thông, chỉ còn chức năng tưới tiêu cho vùng nông nghiệp vườn ở các quận ven. Dân cư ven kênh rạch phần lớn còn là nông dân. Ký ức của nhiều người lớn tuổi còn nhớ, lúc đó những con sông, rạch trong thành phố chưa ô nhiễm nặng, ngày vẫn hai lần nước lớn nước ròng, nước còn trong, trẻ con còn bơi lội trên sông.

Chiến tranh. Dân nhập cư đổ về thành phố ngày càng nhiều, người nghèo lập nên những xóm ven kênh lan dần từ ngoại ô vào trung tâm, nhà cửa ngày càng chen chúc trên bờ, chồm ra kênh rạch. Chất thải, rác rưởi tù đọng dưới sàn nhà, lấp dần kênh rạch, khiến nước không còn lưu thông được nữa. Mỗi ngày, khi thấy có chút gió mát thì biết lúc nước lớn, thấy đứng gió nực nội là biết nước ròng.

Nhưng rồi cũng đến lúc Dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè “tăng tốc”. Gần một năm nay, dòng kênh nước đã sạch hơn mỗi ngày, và gần như không còn tình trạng vứt rác xuống kênh. Nhất là từ khi hai bên bờ đã được dựng hàng rào sắt, vỉa hè lát gạch sạch sẽ, trồng cây, trồng hoa, hàng đèn đường LED vươn cao thanh thoát… Những chung cư cao tầng mọc lên, dân cư sống tại đây đã quen với việc giữ gìn vệ sinh công cộng, giữ gìn cảnh quan chung. Ngay những quán nhậu bờ kè ngày nào còn thoải mái xả rác ra đường thì nay cũng đã biết tự kiềm chế rất nhiều.

Thế mới biết việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị đâu chỉ cứ hô hào suông, hay trông chờ vào sự chuyển biến của ý thức cư dân. Bởi vì khi điều kiện sống chưa thay đổi, khó có thể hình thành lối sống mới.

Nếu coi môi trường sống là biểu hiện của “văn hóa vật chất”, còn lối sống nếp sống của cư dân là “văn hóa tinh thần”, thì hai mặt này luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, là tiền đề cho nhau tự hoàn thiện. “Phố của người – người của phố” là một mệnh đề của xã hội học đô thị hiện đại.

Ngồi trong quán vắng bên bờ kè, chúng tôi lại mơ, rằng mai này kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè lại trở thành sông, cùng với sông Bến Nghé – Tàu Hũ ven đại lộ Đông Tây cũng vừa được nạo vét, sẽ phục hồi cảnh quan “trên bến dưới thuyền” cho du lịch thành phố, phục hồi văn hóa sông nước đặc trưng của xứ Sài Gòn – Chợ Lớn.

Sống giữa thị thành hôm nay vẫn cần lắm những giấc mơ – những giấc mơ về ngày xưa sẽ trở lại trong hiện thực tốt đẹp hơn của ngày mai…